Châu Âu ngừng dùng kháng sinh phòng bệnh trên chăn nuôi

Từ đầu năm 2022, lệnh cấm của EU về sử dụng kháng sinh thường xuyên trên động vật nuôi ở trang trại đã chính thức có hiệu lực.

Kháng sinh hiện được sử dụng trên động vật không chỉ để chữa bệnh mà còn để dự phòng bệnh | Ảnh: Internet

Kháng sinh hiện được sử dụng trên động vật không chỉ để chữa bệnh mà còn để dự phòng bệnh | Ảnh: Istock

Lệnh cấm này xuất phát từ mối lo việc dùng kháng sinh ngày càng nhiều sẽ khiến tình trạng kháng kháng sinh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước nay, nông dân ở các nước EU vẫn cho vật nuôi uống kháng sinh liều thấp để phòng bệnh, kể cả với những vật nuôi khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã miệt mài chỉ ra rằng việc lạm dụng kháng sinh thường xuyên như vậy đang gây ra các vi khuẩn kháng thuốc không thể chữa trị được.

“Hãy tưởng tượng một đàn lợn hoặc đàn gà bị căng thẳng và phải sống quá đông đúc, chật chội, chúng sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch và khiến bệnh tật dễ lây lan hơn. Nhưng thay vì cải thiện môi trường sống, trong nhiều thập kỷ nay, người ta lại cho chúng dùng các liều kháng sinh thấp trong thức ăn và nước uống vì việv này rẻ hơn và dễ dàng hơn”, bà Suzi Shingler, Giám đốc Liên minh Tiết kiệm thuốc kháng sinh, nói với tờ The Independent.

Trước thông báo của EU, Bộ trưởng Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Anh Daniel Zeichner kêu gọi Chính phủ phải đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu ít nhất đáp ứng các tiêu chuẩn mà nông dân Anh đang tuân thủ để chống lại áp lực cạnh tranh từ các thị trường khác, chẳng hạn như Mỹ, Úc và Canada - nơi các trang trại sử dụng tổng lượng kháng sinh cao gấp năm lần so với chăn nuôi ở Anh.

Trong 5 năm qua, nông dân Anh đã tự nguyện giảm 52% việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Nhưng các nhà vận động vẫn cho rằng như vậy chưa đủ bởi việc dùng kháng sinh thường xuyên hoặc dùng các phương pháp điều trị nhóm phòng ngừa cho động vật trang trại vẫn là hành động hợp pháp ở Anh. Trong khi đó, Đức với tư cách chủ tịch G7 trong năm nay đã quyết định đặt tình trạng kháng kháng sinh lên bàn nghị sự.

Lợn có thể truyền siêu vi khuẩn chết người cho con người

Sở dĩ châu Âu dấy lên nhận thức mạnh mẽ về mối nguy này cũng một phần vì các kết quả nghiên cứu đang khiến cuộc thảo luận về vấn đề kháng kháng sinh trở nên nóng hổi.

Đầu tháng 4 vừa qua, các nhà nghiên cứu ở Đại học Copenhagen và Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch đã báo cáo phát hiện ra loại siêu vi khuẩn C. difficile hiện diện ở các trang trại nuôi lợn ở nước này hiện đang là “một ổ chứa các gen kháng kháng sinh có thể trao đổi giữa động vật và con người”.

TS. Bejaoui, người tham gia giải trình tự gen của các mẫu xét nghiệm, cho biết họ phát hiện các chủng được phân lập ở lợn giống hệt về mặt di truyền với các chủng được tìm thấy ở người trong cùng thời kỳ. Nhưng không chỉ dừng ở việc chỉ ra vi khuẩn có thể truyền từ lợn sang người, nghiên cứu này làm rõ hơn việc các trang trại sử dụng kháng sinh đang tạo điều kiện cho phép các chủng kháng thuốc phát triển mạnh mẽ và cuối cùng sẽ lây nhiễm sang người.

C difficile lây nhiễm vào ruột người và kháng tất cả, trừ ba loại kháng sinh được sử dụng hiện nay. Một số chủng chứa gen cho phép chúng tạo ra độc tố có thể gây viêm ruột và tiêu chảy đe dọa tính mạng ở người cao tuổi và bệnh nhân bệnh viện. C difficile được coi là một trong những mối đe dọa kháng kháng sinh lớn nhất ở các nước phát triển và đã từng bùng lên ở Mỹ hồi năm 2017 khiến 12.800 người tử vong và làm hệ thống chăm sóc sức khỏe nước này thiệt hại hơn 1 tỷ USD.

Trong khi đó, vào đầu tháng 6, các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) thông báo phát hiện một đoạn gen CC398 trên siêu vi khuẩn S. aureus kháng lại Methicillin (một trong những loại kháng sinh tuyến đầu tốt nhất y học hiện có) thường được tìm thấy ở lợn tại châu Âu giờ đã bắt đầu xuất hiện trong các bệnh nhiễm trùng ở người.

Họ đã xác định được ba yếu tố di truyền “di động” trong chuỗi CC398 ở động vật – bao gồm hai đoạn gen hướng dẫn về cách né tránh kháng sinh và một đoạn gen giúp né tránh hệ thống miễn dịch của con người.

TS. Luxy Weinert, tác giả cấp cao của nghiên cứu về CC398, nhận xét: "Các trường hợp vi khuẩn kháng Methicillin liên quan đến chăn nuôi ở người vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các trường hợp kháng Methicillin trong quần thể người”.

Những bằng chứng khoa học ngày càng dồn dập đang ủng hộ nỗi lo sợ của WHO rằng các ca nhiễm trùng kháng thuốc sẽ bùng nổ trong tương lai.

Trong nhiều năm, các bác sĩ và nhà khoa học đã cảnh báo việc kê đơn thuốc kháng sinh quá mức cho các nhiễm trùng thông thường có nguy cơ dẫn đến sự lây lan của tình trạng kháng kháng sinh.

Bên cạnh đó, các cơ quan y tế đã chỉ ra rằng kháng kháng sinh cũng xuất hiện ở động vật trang trại, và với nguy cơ lây nhiễm chéo, cuộc chiến giảm sử dụng kháng sinh buộc phải thực hiện trên cả vật nuôi và con người.

Tin mới
Cơ quan chủ quản: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Địa chỉ: Số 10 đường Phạm Đình Hổ, phường Mỹ Bình, Tp Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Số điện thoại: 0259.3825105 - Fax: 0259.3825105 - Email: tcdlcl@ninhthuan.gov.vn