Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 503
  • Trong tuần: 846
  • Tất cả: 149858
Môn Địa lý không hề dễ “ăn”điểm
Từ năm học 2014 -2015, theo hình thức thi THPT quốc gia mới, Địa lý trở thành môn tự chọn. Bên cạnh những học sinh chọn môn này trong tổ hợp môn xét tuyển đại học tương đương khối C trước đây, không ít học sinh có học lực trung bình và trung bình yếu chọn Địa lý vì suy nghĩ dễ “ăn” điểm.

Đây có thể xem là suy nghĩ sai lầm, với các lý do sau:

- Môn Địa lý không dễ học thuộc lòng.

- Atlat địa lý Việt Nam không đủ thông tin và chỉ đóng vai trò trợ thủ, không thể thay thế hoàn toàn sách giáo khoa.

- Biểu đồ và bảng số liệu khó đạt điểm tuyệt đối.

- Quan trọng nhất là 2 phần Atlat và biểu đồ trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia tối đa chỉ khoảng dưới 3/10 điểm.

Vậy, bằng cách nào để học sinh chọn và ôn tập môn Địa lý với mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học phù hợp với năng lực, đạt hiệu quả cao nhất? Theo ý kiến người viết, cần phải thực hiện những giải pháp sau:

Đối với nhà trường và giáo viên:

- Thực hiện tốt công tác tư vấn chọn môn thi cho học sinh.

- Có biện pháp quản lý, giúp đỡ học sinh chưa tiệm cận chuẩn kiến thức kỹ năng bộ môn Địa lý và chưa định hướng tự học.

- Khi tiến hành ôn tập cần tổ chức lớp theo phân loại học lực, tuyệt đối không dạy học theo kiểu cào bằng theo số lượng.

- Loại bỏ hẳn phương pháp dạy học đọc – chép, chiếu – chép, học thuộc lòng và tập trung dò bài, trả bài.

- Tăng cường hướng dẫn học sinh khai thác các kênh kiến thức ngoài sách giáo khoa. Đặc biệt là kỹ năng cập nhật số liệu, thông tin thời sự về tự nhiên, dân cư - lao động, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng…

- Cuối đợt ôn tập nên cho học sinh giải các đề thi thử nhằm rèn luyện kỹ thuật trình bày bài thi.

Đối với học sinh:

- Chọn môn Địa lý khi thực sự yêu thích, có mục tiêu cụ thể, nền kiến thức cơ bản, có phương pháp học phù hợp. Không nên chọn nếu nghĩ rằng môn này ít đầu tư mà dễ kiếm điểm.

- Trong quá trình học cần sơ đồ hóa kiến thức cơ bản, thường xuyên hệ thống và phát triển kiến thức từ khái quát đến chi tiết theo hình xương cá (Hoặc sơ đồ tư duy).

- Không được chủ quan, ỷ lại vào atlat, biểu đồ, bảng số liệu vì muốn khai thác hiệu quả các thành tố này cần phải rèn luyện liên tục và phải trau dồi, tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để giúp bài làm có sự đánh giá đa dạng, nhiều chiều hơn.

- Biết kết hợp kiến thức địa lý giáo khoa và thực tiễn mang tính thời sự để giải quyết các tình huống cụ thể nhằm khắc sâu hơn những kỹ năng chứng minh, phân tích, giải thích các hiện tượng, sự vật địa lý. Đây là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình đổi mới giảng dạy, thi cử bộ môn hiện nay.

- Biết so sánh, phân tích các mối quan hệ địa lý: giữa tự nhiên với tự nhiên, tự nhiên với kinh tế - xã hội, giữa các yếu tố kinh tế - xã hội với nhau.

- Tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng trình bày bài thi một cách rõ ràng, khoa học, logic. Chú ý đến phần xử lý số liệu và phần nhận xét biểu đồ vì hai phần này dễ sai sót và bị mất điểm.

Nói chung, để công tác ôn thi THPT quốc gia môn Địa lý thiết thực, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bộ môn không thể thiếu các yếu tố: thứ nhất là sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của nhà trường, gia đình; thứ hai là sự hướng dẫn nhiệt tình, phù hợp đối tượng học sinh của giáo viên và thứ ba, đóng vai trò quyết định, đó chính là nỗ lực học tập của chính bản thân học sinh.

Theo Đặng Kim Anh – Chuyên viên Phòng GDTrH-TX, Sở GDĐT Bình Dương
Sở GD&ĐT Bình Dương

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image