Thời hạn đăng ký hồ sơ thi THPT Quốc gia năm 2016 sắp hết hạn, vì vậy các em cần lựa chọn tổ hợp môn thi hợp lí và ôn tập sao cho hiệu quả để đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.
Dưới đây là chia sẻ của thầy Ngô Xuân Oanh – Giáo viên Trường THPT Mường Chà (Điện Biên) - nhằm giúp các em học sinh lớp 12 lựa chọn môn thi và phương pháp ôn thi hợp lý.
Nắm chắc quy chế và cấu trúc đề thi
Theo kế hoạch, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi từ ngày 1/4/2016 và kết thúc vào ngày 30/4/2016. Thời gian thi từ ngày 1 - 4/7/2016. Chính vì vậy việc lựa chọn và xác định môn thi đối với các em học sinh là hết sức cần thiết.
Việc lựa chọn này phải đảm bảo phù hợp với năng lực cá nhân học sinh với môn học và mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT hay để xét tuyển sinh ĐH-CĐ.
Theo thầy Oanh, việc đầu tiên các em cần nắm chắc quy chế thi, cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2016. Theo đó, cấu trúc đề thi sẽ tăng cường độ phân hóa với nhiều câu hỏi mở. Đề có cấu trúc gồm 60% câu hỏi cơ bản, 40% câu hỏi mức độ khó tăng dần.
Tuy nhiên, trong 60% và 40% đó không phải tất cả các câu đều dễ hoặc đều khó mà có phần giao thoa. Chính những câu hỏi này sẽ phân hóa những thí sinh có học lực trung bình và khá. Nội dung của đề bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 , không đánh đố, lắt léo.
Trong đó các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng mở, giảm chuyện học thuộc lòng mà yêu cầu học sinh phải biết phân tích sự kiện nhất sự kiện nóng trong xã hội. Đề các môn khoa học tự nhiên thì ngoài việc đánh giá kiến thức THPT, sẽ tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức, thực hành.
Đề thi gồm 2 nhóm câu hỏi: nhóm 1 đảm bảo học sinh trung bình có thể tốt nghiệp, nhóm 2 câu hỏi khó để phân loại thí sinh để tuyển vào Đại học, cao đẳng. Đề thi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
Đề thi các môn khoa học xã hội và nhân văn được ra theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng, đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong một đề thi xã hội có cả kiến thức môn Lịch sử, Địa lí thì sẽ giảm học thuộc lòng và nhớ dữ liệu ...).
Đề thi môn khoa học tự nhiên sẽ tăng cường đánh giá việc vận dụng kiến thức của học sinh bao gồm kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao; vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hầu hết thí sinh, và yêu cầu nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Để tránh tình trạng chọn môn thi theo phong trào, nhất là với đối tượng học sinh trung bình, trung bình - yếu, theo Thầy Oanh, các em nên chọn môn thi mà mình thấy tự tin nhất. Bởi vì mục tiêu đầu tiên của các em là phải đậu tốt nghiệp THPT.
Đối với những em có nguyện vọng xét tuyển và đại học, cao đẳng thì các em phải lựa chọn môn phù hợp với khối thi mà ngành mình dự định xét tuyển, tránh lựa chọn dàn trải gây vất vả cho việc ôn thi dẫn đến kết quả thi không cao.
Với những môn học để xét tuyển đại học, tỉ lệ cạnh tranh sẽ rất cao. Các em cần hoàn thành 60% kiến thức cơ bản chính xác nhất trong thời gian ngắn nhất, dành thời gian để giải quyết 40% kiến thức nâng cao còn lại.
Muốn vậy, ngay từ bây giờ, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi, nội dung kiến thức và phân bổ khó – dễ trong đề thi. Từ đó, xây dựng kế hoạch học tâp dựa trên cấu trúc đề thi đó. Đồng thời, cần ôn luyện bài bản, bám sát cấu trúc đề thi” – thầy Oanh cho biết.
Những lưu ý khi chọn môn thi
|
Giờ học ôn của thầy, trò Trường THPT Mường Chà |
Cũng theo thầy Oanh, để giúp các em lựa chọn môn thi trong kì thi THPT Quốc gia năm 2016 đúng và trúng, các em cần lưu ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất: Chọn môn thi mà bản thân học tốt nhất. Để đủ điều kiện tốt nhiệp THPT, học sinh phải trải qua 4 môn thi gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.
Đối với hệ giáo dục thường xuyên không học Ngoại ngữ sẽ được lựa chọn một môn khác để thay thế, tức là có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, vì thế các em cần lựa chọn môn thi mà mình học tốt, yêu thích nhất.
Thứ hai: Không nên chọn quá nhiều môn thi sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả chung. Việc lựa chọn nhiều môn thi sẽ giúp học sinh thêm nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường CĐ-ĐH, nhưng giải pháp này cũng rất mạo hiểm, bởi nhiều môn đồng nghĩa với lượng kiến thức và thời gian ôn tập cần nhiều hơn, nếu không đủ kiến thức và thời gian để ôn tập và làm bài thi thì kết quả sẽ không cao. Vì thế các em cần biết tính toán, lựa chọn cho hợp lí.
Thứ ba: Phân đều thời gian và lượng kiến thức cho các môn thi. Trong kì thi THPT Quốc gia năm 2015, nhiều thí sinh đã đủ điểm để được xét tuyển vào các trường đại học.
Tuy nhiên lại không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp bởi thí sinh đó bị điểm liệt (1 điểm trở xuống), và đương nhiên nhưng thí sinh đó không được theo học các trường CĐ-ĐH phải chờ năm sau để thi lại. Là kỳ thi “2 trong 1” nên học sinh cần thận trọng để lựa chọn môn thi phù hợp, khoa học. Đây là cách giúp các em đạt kết quả tốt nhất.