Ninh Thuận ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch
Theo quyết định, quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn, bán lẻ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh (đơn vị cấp nước); các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch; các phòng thử nghiệm các thông số chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Quy chuẩn nêu rõ, việc thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch phải được thực hiện tại các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận được công nhận phù hợp với TCVN ISO/IEC 17025. Các đơn vị cấp nước phải tiến hành thử nghiệm 99 thông số chất lượng nước trong danh mục các thông số chất lượng nước sạch quy định tại QCVN 01-1:2018/BYT trong các trường hợp: trước khi đi vào vận hành lần đầu; sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; định kỳ 3 năm một lần kể từ lần thử nghiệm toàn bộ các thông số gần nhất.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai việc thực hiện quy chuẩn trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy chuẩn.
Tiếp nhận bản công bố hợp quy của đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí (trong ngân sách hàng năm) cho việc thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát chất lượng nước do hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước để có biện pháp đảm bảo sức khỏe người dân. Kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy chuẩn để phù hợp với yêu cầu quản lý.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch huy động, phân bổ vốn thực hiện các dự án đầu tư (nếu có) để đảm bảo điều kiện hoạt động và nâng cao năng lực thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch theo quy định của quy chuẩn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị trực thuộc thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp nước tại các trạm cấp nước thuộc thẩm quyền quản lý. Đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước tại các trạm cấp nước thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo chất lượng đạt theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Xây dựng kế hoạch, bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí (trong ngân sách hàng năm) cho việc thực hiện nội kiểm chất lượng theo quy định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có quy mô từ 500 hộ gia đình trở lên (hoặc công suất thiết kế từ 1.000m
3/ngày đêm trở lên trong trường hợp không xác định được số hộ gia đình); báo cáo kết quả ngoại kiểm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT.
Phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước của các đơn vị cấp nước có quy mô dưới 500 hộ gia đình (hoặc công suất thiết kế dưới 1.000m
3/ngày đêm trong trường hợp không xác định được số hộ gia đình); xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm cho việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra chất lượng nước sạch.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Toàn văn QCĐP 01:2022/NT