Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Công cụ khẳng định thành công về năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp
1. Đôi nét về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Tháng 8/1995, tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thông báo về việc thiết lập một giải thưởng trong lĩnh vực chất lượng: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam và được triển khai từ năm 1996. Năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được nâng thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG).
GTCLQG được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBNQA). Đây là Giải thưởng được nhiều nước trên thế giới coi là mô hình chuẩn để nghiên cứu học tập khi xây dựng GTCLQG của mình. GTCLQG là Giải thưởng Nhà nước duy nhất về chất lượng, được Thủ tướng Chính phủ trao tặng và là Giải thưởng nằm trong hệ thống Giải thưởng chất lượng GPEA (Global Performance Excellence Award) của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization – APQO) .
GTCLQG được xét tặng hàng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp tham dự GTCLQG theo 4 loại hình: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn và Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
GTCLQG gồm 02 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Các doanh nghiệp tham gia GTCLQG phải xây dựng báo cáo tự đánh giá theo 07 tiêu chí và được đánh giá theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm.
Qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Giải thưởng này có một số điểm đặc biệt:
Thứ nhất, đây là Giải thưởng duy nhất ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm hàng hoá. Vì thế có thể nói, đây là Giải thưởng cao nhất về chất lượng ở Việt Nam.
Thứ hai, đây là Giải thưởng có “độ khó" cao nhất trong các giải thưởng về chất lượng. Số lượng tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của GTCLQG để được trao giải không nhiều. Tiêu biểu như năm 2018 toàn quốc chỉ có 75 doanh nghiệp được trao GTCLQG; trong đó đạt giải Vàng chất lượng quốc gia chỉ có 20 doanh nghiệp; đạt GTCLQG chỉ có 55 doanh nghiệp. Sở dĩ GTCLQG có độ khó cao là vì: Mô hình GTCLQG ở Việt Nam hiện nay cũng chính là mô hình GTCLQG của Mỹ. Mà mô hình GTCLQG của Mỹ lại đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Như vậy, GTCLQG thực sự là giải thưởng có chất lượng và có uy tín cao, nếu không muốn nói là có chất lượng cao nhất và uy tín nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực chất lượng.
Thứ ba, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt GTCLQG, nhất là những doanh nghiệp đạt giải Vàng chất lượng, sau khi được trao giải đều có bước phát triển sản xuất, kinh doanh tốt. Sở dĩ sau khi được trao GTCLQG, các doanh nghiệp có bước phát triển sản xuất, kinh doanh tốt là vì: GTCLQG không chỉ đơn thuần là giải thưởng mà còn là một công cụ giúp doanh nghiệp hoàn thiện khả năng tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh theo chuẩn tiên tiến của thế giới.
GTCLQG đưa vào áp dụng hệ thống tiêu chí có tính chuẩn mực quốc tế về quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa và năng suất chất lượng. Có 7 hệ tiêu chí chính đánh giá từ đầu vào đến đầu ra, từ nguồn nhân lực, tầm nhìn của lãnh đạo, đến cách mở rộng, phát triển thị trường. Nếu áp dụng đồng bộ 7 tiêu chí này, doanh nghiệp sẽ tự soi lại mình, hoàn thiện mình và tìm ra những điểm mạnh cần phát huy. Vì vậy, cho dù doanh nghiệp có đạt giải hay không đạt giải, nếu áp dụng hệ thống các tiêu chí của GTCLQG chắc chắn sẽ có bước cải thiện rất đáng kể, về mặt quản trị, phát triển lực lượng, tầm nhìn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi doanh nghiệp có ý thức tham gia GTCLQG, tự doanh nghiệp đã đặt mình vào trong lộ trình để hoàn thiện tốt hơn, để thích nghi với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực tế triển khai GTCLQG tại Ninh Thuận những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp đạt giải hằng năm thực sự là những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp đạt giải đều áp dụng hiệu lực và hiệu quả các hệ thống, công cụ quản lý như ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMP, HACCP, 5S, Kaizen…
2. Kết quả hoạt động tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tại Ninh Thuận
Trong giai đoạn 1911-1920, Sở Khoa học và Công nghệ đã vận động và hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia và đạt 15 GTCLQG, cụ thể như sau: Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận (năm 2012 và 2013), Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hoàng Nhân (năm 2012), Công ty cổ phần đường Biên Hòa-Phan Rang (năm 2014), Công ty TNHH Phú Thuỷ (năm 2014 và năm 2016); Công ty CP đường Biên Hòa - Phan Rang (năm 2017), Công ty TNHH Xây dựng và trang trí nội thất Vạn Gia (năm 2017), Công ty TNHH XD-TM-SX Nam Thành Ninh Thuận (năm 2017 và 2018; Giải Vàng năm 2019), Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận (năm 2018 và 2020) Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố (năm 2018); Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt (năm 2020). Trong 02 năm 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm cho việc sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp có phần đình trệ; nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến hoạt động tham gia GTCLQG của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt tiếp tục tham gia và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề xuất là doanh nghiệp hội đủ điều kiện được Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG năm 2021. Năm 2022, có 03 đơn vị tham gia GTCLQG và đã được Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tại Ninh Thuận thống nhất đề xuất Hội đồng Quốc gia về GTCLQG xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng GTCLQG năm 2022 cho 03 đơn vị: Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận; Công ty Cổ phần Nắng và Gió; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Ninh Thuận.
Có thể khẳng định, hoạt động tham gia GTCLQG tại Ninh Thuận trong hơn 10 năm qua đã đi vào nề nếp, thu hút được đông đảo doanh nghiệp quan tâm, ngày một phát triển về số lượng và chất lượng. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt GTCLQG đều phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ ổn định được người tiêu dùng đón nhận nâng cao được khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là một minh chứng sống động cho giá trị của GTCLQG.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng đó, việc tổ chức triển khai GTCLQG trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số điểm cần quan tâm khắc phục như:
Thứ nhất, một số tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu hết được giá trị của Giải thưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt là còn nhiều doanh nghiệp không biết được giá trị của Giải thưởng với vai trò như một công cụ để giúp doanh nghiệp hoàn thiện khả năng tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh theo “chuẩn" tiên tiến của thế giới.
Thứ hai, chính vì biết chưa hết, nhận thức chưa sâu về giá trị và vai trò của GTCLQG đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nên số lượng các doanh nghiệp của tỉnh đăng ký tham gia hàng năm còn thấp so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp đạt được các tiêu chí Giải thưởng cũng còn rất ít.
Thứ ba, loại hình hoạt động của doanh nghiệp đăng ký tham dự còn đơn điệu, chủ yếu doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất trong khi đối tượng của Giải thưởng được mở rộng đến hầu hết các loại hình hoạt động của doanh nghiệp.
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do công tác tuyên truyền về GTCLQG tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động hỗ trợ của các ngành, các cấp, Hội, Hiệp hội doanh nghiệp để các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện tham dự Giải thưởng và phát triển bền vững doanh nghiệp còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, do GTCLQG có độ khó cao, hồ sơ tham dự phải dày công chuẩn bị, đặc biệt là bản thân doanh nghiệp phải thực hiện những hoạt động tự hoàn thiện mình theo “chuẩn" tiên tiến của thế giới ngay từ khi tham gia dự giải nên những doanh nghiệp chưa có tầm nhìn xa, chưa có khát vọng lớn thì chắc chắn không tránh khỏi e ngại.
Cúp Giải vàng Chất lượng Quốc gia
3. Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, tiếp tục triển khai tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp, các cấp, các ngành nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị của GTCLQG. Trong đó, cần tập trung tuyên truyền về giá trị nổi trội, khác biệt của GTCLQG với các giải thưởng khác về chất lượng. Đó là:
- GTCLQG là Giải thưởng duy nhất do Thủ tướng Chính phủ tặng trong lĩnh vực chất lượng, là sự chứng nhận của Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ về chất lượng của doanh nghiệp.
- GTCLQG không đơn thuần chỉ là Giải thưởng, không chỉ đơn thuần là sự chứng nhận của Thủ tướng Chính phủ về chất lượng của doanh nghiệp mà GTCLQG còn là công cụ giúp doanh nghiệp có được năng lực tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh đạt chuẩn quốc tế, là công cụ để cho những doanh nghiệp có tầm nhìn, có khát vọng vươn xa và đạt được khát vọng của mình.
Hai là, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cơ quan thường trực GTCLQG của tỉnh tiến hành lựa chọn, khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh nổi trội trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng theo yêu cầu của GTCLQG để nộp về Hội đồng sơ tuyển.
Ba là, bản thân các doanh nghiệp cần vượt qua tâm lý e ngại về độ khó để tích cực tham gia GTCLQG.
Bốn là, tỉnh cần có chính sách động viên, cổ vũ nhiều hơn đối với doanh nghiệp đạt GTCLQG. Sở dĩ vậy là vì doanh nghiệp đạt GTCLQG không chỉ đơn thuần là doanh nghiệp đạt được một giải thưởng mà thực chất doanh nghiệp đã ứng dụng thành công một công nghệ quản lý tiên tiến của thế giới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của tỉnh./.
Nguyễn Tấn Quang
Phó giám đốc Sở KH&CN Ninh Thuận