Ninh Thuận tăng cường hoạt động nâng cao năng suất chất lượng hàng hoá

I. Các hoạt động thúc đầy nâng cao năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020

Thực hiện Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/3/2012 phê duyệt Dự ánNâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020” (gọi tắt là Dự án).

Trong giai đoạn 2011-2020, Dự án đã tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá (NSCL) trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ 264 doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tính đến nay, có 145 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, 93 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO, HACCP, SA 8000..., cụ thể:

1. Xây dựng và ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, cụ thể: Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/3/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Dự ánNâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”; Quyết định số 67/2015/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về chế độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận,...

2. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức, kiến thức

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị về Nâng cao năng suất chất lượng

- Phối hợp với Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh thực hiện thường kỳ các chương trình tạp chí về sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, sở hữu trí tuệ, tuyên truyền dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020; thực hiện 18 số TKC (tạp chí Khoa học và Công nghệ trên sóng truyền hình tỉnh); phát hành bản tin, tập san chuyên đề về hoạt động dự án Năng suất chất lượng tại doanh nghiệp điển hình và doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia (viết tắt là GTCLQG). Tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp để thúc đẩy phong trào năng suất trên địa bàn tỉnh.

- Tham dự Hội nghị Năng suất chất lượng; Tham gia học tập kinh nghiệm về hoạt động năng suất chất lượng tại các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước.

3. Hoạt động hỗ trợ

Đã hỗ trợ 264 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án năng suất chất lượng với các hoạt động: nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký sử dụng mã số mã vạch, tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; tham gia Chợ công nghệ Techmart và tham gia hoạt động kết nối cung cầu; áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; đạt giải thưởng chất lượng quốc gia:

+ Hỗ trợ 05 doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học, đổi mới công nghệ và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; áp dụng sản xuất sạch hơn (Công ty CP đường Biên Hòa-Phan Rang, Cơ sở kinh doanh Dê Cừu Triệu Tín, DNTN Nho Thiên Thảo, Công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất Vạn Gia, Công ty CP xây dựng Đỉnh Lợi).

+ Thực hiện kiểm toán năng lượng tại 04 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (Công ty CP xây dựng; Công ty TNHH SX-TM-XD Nam Thành Ninh Thuận; Công ty TNHH Tiến Thuận và Công ty TNHH Phú Thủy).

+ Hỗ trợ 08 doanh nghiệp áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và ISO 22000:2005 (Công ty TNHH Nam Miền Trung, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Ninh Thuận, Công ty TNHH Phú Thủy, Công ty TNHH TP, Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận, Công ty TNHH Dương Thảo, Công ty TNHH cán sắt Thanh Hạnh và Công ty CP Gia Việt).

+ Về hoạt động tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia: Đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia và đạt 15 giải thưởng Chất lượng Quốc gia, cụ thể như sau:  Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận (năm 2012 và 2013), Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hoàng Nhân (năm 2012), Công ty cổ phần đường Biên Hòa-Phan Rang (năm 2014), Công ty TNHH Phú Thuỷ (năm 2014 và năm 2016); Công ty CP đường Biên Hòa - Phan Rang (năm 2017), Công ty TNHH Xây dựng và trang trí nội thất Vạn Gia (năm 2017), Công ty TNHH XD-TM-SX Nam Thành Ninh Thuận (năm 2017 và 2018; Giải Vàng năm 2019), Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận (năm 2018 và 2020) Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố (năm 2018); Công ty CP thực phẩm Cánh Đồng Việt (năm 2020).

- Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ: Tư vấn, tổ chức thẩm định công nghệ 18 dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thẩm định và cấp phép 01 Hợp đồng đăng ký chuyển giao công nghệ cho “Quy trình sản xuất Chế phẩm hữu cơ vi sinh Biotech Japan E.M1 đa năng từ phụ phẩm nông nghiệp và cây cỏ tự nhiên” của Chi nhánh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ sinh học ngành nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; thực hiện Quyết định phê duyệt hàng năm của UBND tỉnh, đã hỗ trợ tổng số 18 nhiệm vụ ứng dụng đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức thuộc nhóm các lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, máy móc nông nghiệp, thiết bị công nghệ phục vụ nông nghiệp; giải pháp công nghệ trong truy xuất sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp.

- Hỗ trợ hoạt động đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua các hệ thống quản lý được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14001; ISO 9001:2008, ISO 9001:2015, ISO 22000, GMP, TQM, SA 8000, VietGap, OHSAS 18001 và các hệ thống quản lý khác nhằm vào mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, an toàn, sức khỏe, môi trường, tiết kiệm năng lượng: Đã hỗ trợ 40 doanh nghiệp, tổ chức (chủ yếu tập trung vào các hệ thống ISO, VietGap, Global Gap....); nổi bật trong giai đoạn là chương trình đã lồng ghép với chính sách hỗ trợ thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Từ năm 2018-2020, ngành khoa học và công nghệ đã triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và chứng nhận VietGap cho 28 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích 389 ha/1361 hộ trên các đối tượng cây trồng: Nho, Măng tây và Nha Đam, Lúa, Hành tím, Tỏi, Trái cây Ninh Sơn, Táo. Đối với hoạt động chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm và hiệu chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC17025: Đã hỗ trợ cho 02 đơn vị sự nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực phân tích, thử nghiệm, kiểm định đo lường là Trung tâm Thông tin Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

- Hỗ trợ hoạt động bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Đã hỗ trợ kinh phí 03 tổ chức, cá nhân triển khai hồ sơ đăng ký, tư vấn hỗ trợ cho 04 nhóm tác giả thực hiện đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ kinh phí 10 doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu tập thể; 02 doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý (Nho Ninh Thuận và Thịt Cừu Ninh Thuận), 11 nhãn hiệu chứng nhận; 01 hợp tác xã đăng ký quyền bảo hộ sáng chế; tư vấn hồ sơ cho hơn 100 doanh nghiệp đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền cho nhãn hiệu kinh doanh góp phần mở rộng phạm vi quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp trong tỉnh. Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ góp phần khẳng định được chất lượng, danh tiếng và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và sản xuất các sản phẩm đặc thù từng bước phát triển.

- Về đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ: Đã hỗ trợ tổng số 18 doanh nghiệp; kết hợp với việc triển khai Chương trình thí điểm ứng dụng “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai công tác xây dựng việc in tem, mã QR truy xuất nguồn cho tem, cơ sở thông tin cơ bản cho việc truy xuất ban đầu đối với 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh. Kết quả đã hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp sử dụng cho 12 doanh nghiệp, hợp tác xã thí điểm với số lượng 720.000 tem truy xuất cho 12 sản phẩm đặc thù.

- Hỗ trợ và tổ chức cho doanh nghiệp tham quan học tập các mô hình trong nước ứng dụng KH&CN có hiệu quả, tham gia Hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart), Hội chợ triển lãm thương hiệu nỗi tiếng và uy tín trong nước,… kết hợp với việc tham gia vào cơ sở dữ liệu, chia sẻ, khai thác thông tin công nghệ trên các sàn giao dịch của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cổng giao dịch cung cầu công nghệ của Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ trên 30 doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh tiếp cận tham gia các hoạt động phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động tiếp cận và đổi mới công nghệ.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận trong ca sản xuất

- Ngoài hoạt động chuyên môn thường xuyên theo chức năng, để từng bước giúp Doanh nghiệp tiếp cận các Hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC 2) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành khảo sát và tổ chức thực hiện tại 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nhiệm vụ thuộc Dự án 2 “Thúc đẩy các hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình Năng suất chất lượng quốc gia (Quyết định số 225/QĐ-TTg), bao gồm đào tạo triển khai áp dụng Công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S; Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001:2015; Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 cho Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận; đào tạo kỹ năng về Hướng dẫn chỉ dẫn công việc (JIT); Tập huấn về mô hình Nhóm huấn luyện - TWI; Hướng dẫn chỉnh sửa Bảng phân tích công việc cho Công ty Cổ phần dệt gia dụng Phong Phú (Công ty cổ phần dệt may Quảng Phú đổi tên doanh nghiệp); đào tạo triển khai áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S cho Công ty Cổ phần xây dựng Ninh Thuận.

4. Đánh giá chung

Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 đã đạt được một số nội dung cơ bản đề ra như việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp trong việc hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, năng lượng,… giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Ninh Thuận là tỉnh khó khăn, sản xuất công nghiệp chưa phát triển mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp đang trong thời kỳ gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa hưởng ứng tham gia tích cực vào Đề án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Bên cạnh đó, việc triển khai các nội dung của Chương trình còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án được phê duyệt còn hạn hẹp.

II. Phương hướng, mục tiêu của chương trình năng suất chất lượng đến năm 2030

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 3483/KH-UBND ngày 14/7/2021 thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể:

1. Giai đoạn từ năm 2021-2025

- Nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho tổ chức, doanh nghiệp.

- Đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư:

+ Đào tạo ít nhất 10 chuyên gia năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn;

+ Trên 250 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất chất lượng của doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng.

- Hằng năm, có ít nhất 10 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế. Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Đến năm 2025, có ít nhất 5 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về phong trào năng suât chất lượng để chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

- Vận động, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 05 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng chất lượng quốc gia (có ít nhất 01 doanh nghiệp đạt giải vàng chất lượng quốc gia).

2.  Đến năm 2030

- Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong giai đoạn mới cho cả giai đoạn, bao gồm:

+ Đào tạo ít nhất 20 chuyên gia năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn;

+ Trên 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất chất lượng của doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng.

- Hằng năm, có ít nhất 20 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế. Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

- Đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về phong trào năng suât chất lượng để chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

- Tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mức quốc gia từng bước đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

- Vận động, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng chất lượng quốc gia (có ít nhất 02 doanh nghiệp đạt giải vàng chất lượng quốc gia).

3. Hoạt động triển khai trong năm 2022

Ngay từ đầu năm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 665/KH-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh về việc Triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2022. Trên cơ sở đó, Chi cục đã triển khai một số nội dung như sau:

- Phối hợp với Chi nhánh Viện Năng suất Việt Nam tại TP. Đà Nẵng tổ chức lớp đào tạo Chuyên gia Năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn, kết quả có 05 công chức các Sở, ngành (Y Tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Chi cục TĐC) được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn chuyên gia năng suất chất lượng. Phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức 01 khóa đào tạo, bồi dưỡng với nội dung “Tổng quan chung về sản xuất thông minh, chuyển đổi số ứng dụng trong các ngành sản xuất”.

- Tổ chức vận động 03 tổ chức đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022. Tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành các bước sơ tuyển hồ sơ tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của 03 tổ chức; đề xuất UBND tỉnh trình Hội đồng Quốc gia xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022 cho 03 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Nắng và Gió; Công ty TNHH  Xây dựng Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận và Trung kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

- Cử  công chức tham dự các Hội thảo về thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các địa phương tại Hà Nội; khóa tập huấn và đào tạo Chuyên gia đánh giá Giải thưởng Chất lượng quốc gia tại tỉnh Khánh Hòa; đào tạo về “Đo lường Năng suất và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế của địa phương” tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đề xuất bắt đầu thực hiện từ năm 2023 thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2021-2030 như sau:

- Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9001; ISO 14000; ISO 22000,...), kết hợp công cụ cải tiến năng suất chất lượng (Kaizen, 5S, LEAN, 6Sigma, TQM,...) cho các Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Nhân rộng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ cho sản phẩm nông sản đặc thù tại các Doanh nghiệp trồng trọt và sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp làng nghề thông qua việc áp dụng các giải pháp Năng suất xanh (GP) và 5S cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Khảo sát hiện trạng và tư vấn xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục nhằm phòng ngừa các rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 22301.

Có thể nói, những hoạt động trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Lê Tiến Dũng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

Tin mới
Cơ quan chủ quản: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Địa chỉ: Số 10 đường Phạm Đình Hổ, phường Mỹ Bình, Tp Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận
Số điện thoại: 0259.3825105 - Fax: 0259.3825105 - Email: tcdlcl@ninhthuan.gov.vn