Đo lường bảo đảm chính xác, công bằng, vì mục tiêu phát triển bền vững
(VietQ.vn) - Hoạt động đo lường đang diễn ra hằng ngày trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như kinh doanh xăng dầu, điện năng, nước sạch, khám chữa bệnh trong y tế, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh vàng …
Hoạt động đo lường đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm đo lường chính xác, phòng chống, ngăn chặn các hành vi gian lận về đo lường. Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đo lường trên cả nước đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc, góp phần bảo đảm sự công bằng giữa người mua và người bán, khách quan trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Hoạt động đo lường đang diễn ra hằng ngày trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như kinh doanh xăng dầu, điện năng, nước sạch, khám chữa bệnh trong y tế, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh vàng …
Thời gian qua, để người dân hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động đo lường và bắt kịp được xu hướng hội nhập quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về đo lường, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức để thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của bản thân và hướng tới phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Bàn giao thiết bị mẫu so sánh khi thực hiện so sánh liên phòng lĩnh vực áp suất tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 thuộc Tổng cục TCĐLCL.
Phát triển bền vững được định nghĩa là “phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm hại khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ“. Đây là mục tiêu toàn cầu được thể hiện qua Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, bao gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu nhằm giải quyết các thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhân kỷ niệm ngày “Đo lường Việt Nam” và nhớ lại ngày cách đây 74 năm ngày 20/1/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 08/SL thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề “Tăng cường hoạt động đo lường để phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia”.
Hiện nay, theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), các nước trên thế giới đang thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, đo lường là một trong các cấu phần chính tạo nên hạ tầng chất lượng quốc gia (bên cạnh các chỉ số khác của công nhận, đánh giá sự phù hợp, tiêu chuẩn, giám sát thị trường), chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia càng tốt thì tính cạnh tranh thương mại càng cao, sản phẩm hàng hoá đến tay người tiêu dùng càng được đảm bảo, bên cạnh đó thì hạ tầng chất lượng quốc gia cũng góp phần quan trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trong thời gian vừa qua công tác quản lý đo lường đã có sự thay đổi về mặt nhận thức trong quản lý không chỉ tập trung vào đảm bảo tính pháp lý trong khuôn khổ của đo lường pháp định mà đã tập trung nhiều vào đo lường khoa học và công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Các hoạt động đo lường đã có sự chuyển biến cụ thể trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ về đo lường như thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường và hoạt động sản xuất chất chuẩn trong đo lường đã được các đơn vị triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
Năm 2024 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tập trung mạnh vào một số vấn đề chính của Đo lường như: Thực hiện chuyển đổi số về Đo lường theo lộ trình Đề án Chuyển đổi số ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đạt chứng chỉ công nhận phù hợp TCVN/ISO 17034:2017 đối với tổ chức sản xuất chất chuẩn, mẫu chuẩn; nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại nhiều vùng miền trên cả nước; triển khai mạnh mẽ các chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia, cấp cơ sở theo Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ KHCN; quyết tâm xây dựng, hoàn thiện và đào tạo để có khả năng hiệu chuẩn, đo thử nghiệm được hệ thống pin năng lượng mặt trời phục vụ cho phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; khởi động lại chương trình đầu tư và phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ...
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởngTổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Với định hướng nêu trên, thời gian qua, hoạt động đo lường khoa học và đo lường ứng dụng đã được chú trọng, đẩy mạnh và bước đầu đã có kết quả. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn tại Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Hướng dẫn và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp với mô hình hỗ trợ xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường cho doanh nghiệp ở một số địa phương như tỉnh Thái Nguyên, Bình Định, tỉnh Bắc Giang, Thừa Thiên Huế đã được hiện thực hóa, doanh nghiệp hưởng ứng và được đánh giá cao. Đến nay, đã có trên 20 doanh nghiệp công bố thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Các đơn vị kỹ thuật thuộc Tổng cục TCĐLCL hiện vẫn đang tích cực triển khai công tác tư vấn, đào tạo để triển khai chương trình theo các nhu cầu của các doanh nghiệp đã đăng ký. Triển khai Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 7 năm 2023 về ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường, dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai 04 chương trình SSLP cấp quốc gia đối với các lĩnh vực như: Điện, Áp suất, Khối lượng, Nhiệt và 02 chương trình SSLP cấp cơ sở đối với lĩnh vực Áp suất và lĩnh vực dung tích.
Sau khi hoàn thành các chương trình SSLP cấp quốc gia, hằng năm Tổng cục cùng các đơn vị sẽ mở rộng được nhiều chương trình so sánh liên phòng CT SSLP) cấp cơ sở. Tham gia SSLP là nền tảng để thực hiện các ký kết thừa nhận, chứng nhận lẫn nhau về đo lường, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về đo lường thực hiện miễn giảm việc đánh giá tại cơ sở khi thực hiện các thủ tục đăng ký và chỉ định.
Đoàn công tác của Bộ KHCN thực hiện khảo sát học tập tại phòng thí nghiệm hiệu chuẩn Pin năng lượng mặt trời tại Viện Vật lý Kỹ thuật của Đức (PTB), tháng 11/2023.
TS. Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua, hệ thống chuẩn đo lường quốc gia của nước ta từng bước phát triển và hoàn thiện. Một trong những mục tiêu quan trọng phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia giai đoạn đến năm 2030 là phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đo lường phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội đất nước và phù hợp với kế hoạch phát triển của bộ, ngành, địa phương. Tính đến nay, số lượng chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt là 32/41 chuẩn đo lường quốc gia thuộc Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1361/QĐ-TTg ngày 08/8/2013.
Các chuẩn đo lường quốc gia đã xây dựng và được phê duyệt trong thời gian qua có ý nghĩa rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, giúp Việt Nam tham gia một cách hiệu quả Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM MRA). Cho đến nay, chuẩn đo lường quốc gia của Viện Đo lường Việt Nam đã trực tiếp thực hiện 31 phép hiệu chuẩn (CMCs), được quốc tế thừa nhận và được công bố trên trang Web của Viện Cân đo quốc tế (BIPM). Đây là cơ sở kỹ thuật quan trọng trong việc thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT).
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 cũng như trách nhiệm to lớn của toàn ngành đo lường trong thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế quốc tế, với tinh thần chủ động, chúng ta tin tưởng rằng, thời gian sắp tới hoạt động đo lường của Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và hướng tới phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng của thế giới, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh.
Trần Quý Giầu